Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn Viên chức Việt Nam

24-10-2024 08:10

Phát biểu khai mạc, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam - cho biết, đổi mới phương thức hoạt động của công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn Viên chức Việt Nam, đặc biệt ở cấp cơ sở, là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của các cấp công đoàn trong giai đoạn hiện nay.

Công đoàn cơ sở nào có nội dung sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn, thì công đoàn nơi đó có phong trào cán bộ, công chức, viên chức sôi nổi, phong phú; tinh thần dân chủ được phát huy, tinh thần đoàn kết nội bộ được giữ vững. Ngược lại, những công đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt qua loa đại khái, ở những nơi đó hoạt động công đoàn mờ nhạt, kém hiệu quả, vị thế của tổ chức công đoàn tại đơn vị không cao.

Thực tế cho thấy, hoạt động của các cấp công đoàn còn bộc lộ một số hạn chế, như: Chưa có giải pháp hữu hiệu nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn có trình độ cao;

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn chưa sát với yêu cầu thực tiễn, nặng về lý luận, chưa có phương pháp đổi mới trong việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ nhiệm kỳ mới.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng trình bày các tham luận tập trung vào các nội dung: Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên, người lao động trong các cấp công đoàn; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới;

Cải tiến phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn góp phần đổi mới hoạt động của công đoàn trong giai đoạn hiện nay; công đoàn tham gia nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để khẳng định vai trò, vị thế trước yêu cầu mới...

TS Phạm Thị Thành - Chủ tịch Công đoàn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nêu quan điểm, trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới có nhiều biến động phức tạp, tác động sâu rộng tới mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Quá trình phát triển kinh tế thị trường, những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tình hình mới đang đặt ra hàng loạt thách thức, khó khăn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động do thực tế việc thực thi các quyền và lợi ích của người lao động không như kỳ vọng.

Vị chủ tịch công đoàn cho hay, từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Học viện Chính trị khu vực 1, để xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.

Đó là, tiếp tục đổi mới việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả phục vụ đoàn viên, viên chức, người lao động một cách cụ thể, thiết thực, hướng đến thực hiện tốt chức năng của tổ chức công đoàn, nâng cao vị trí, vai trò của tổ công đoàn ở cơ sở;

Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đảm bảo về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động…

Nguồn: Báo Lao Động