Đơn giản hóa thủ tục để thu hút FDI vào khu công nghiệp xanh
22-10-2024 10:10Đây là cơ hội đưa Việt Nam trở thành điểm đến cho các dự án FDI chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, và sản xuất tiên tiến.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp xanh thế nào? Làm sao để tránh "bẫy lọc ngành" tạo rào cản không đáng có cho các doanh nghiệp? Doanh nghiệp đủ điều kiện vào khu công nghiệp xanh thì có được giản lược thủ tục đầu tư hay không?
Hàng loạt vấn đề liên quan đến định hướng phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái đã được luật sư Bùi Văn Thành, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), làm rõ trong cuộc trả lời phỏng vấn với Thanh Niên.
Còn nhiều bất cập
Ông đánh giá thế nào về phát triển hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam?
Tính đến cuối tháng 1.2024, Việt Nam đã có 620 khu công nghiệp. Những năm gần đây, trung bình hằng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm tới 70 - 80%. Từ những con số trên có thể thấy: Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam thành nước phát triển công nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta gia nhập, phát triển sản xuất chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Chế định về khu công nghiệp đã có trên 32 năm, tuy nhiên chế định về khu công nghiệp sinh thái chỉ mới được đề cập từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 82/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Do đó, thông tin cập nhật về thực trạng phát triển hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam còn hạn chế.
Theo xu hướng chung phát triển bền vững, những năm qua, Việt Nam cũng đã triển khai một số dự án thí điểm khu công nghiệp sinh thái với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Chúng ta đã có chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc hình thành một số khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu ở Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu… Đã có những mô hình phát triển khu công nghiệp sinh thái tiêu biểu… Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến hết năm 2030, diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930 ha.
Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha đất khu công nghiệp. Mặt khác, tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2020 có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.
Tuy nhiên, chỉ với định nghĩa về khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái tại Nghị định 82/2018 thì rõ ràng có thể thấy còn nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển. Việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái còn nhiều bất cập, chưa được luật hóa hoặc hướng dẫn cụ thể.
Ông có thể nói rõ hơn về những bất cập này?
Đơn cử, điều 2 của Nghị định 82, khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp mà trong đó có doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp, đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định này.
Thế nhưng, về yếu tố "sạch hơn" thì chưa một văn bản nào nói rõ liệu khu công nghiệp phải có tiêu chuẩn môi trường cao hơn tiêu chuẩn môi trường hiện đang có hiệu lực không; hoặc sẽ có chế tài kiểm tra và xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, ban hành và áp dụng riêng cho khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái hay không.
Doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp sinh thái có bắt buộc phải có sự liên kết, hợp tác (ví dụ, quy trình công nghệ, bí mật kinh doanh, nguyên liệu và tiêu chuẩn sử dụng nguyên vật liệu, tiết kiệm điện, nước...) để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp hay không? Hoặc Nhà nước sẽ có ưu đãi cụ thể hơn nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái khi phải áp dụng yếu tố sạch hơn hay không…
Cùng với đó, tiêu chuẩn, tiêu chí pháp quy về "xanh hơn" áp dụng cho khu công nghiệp sinh thái chưa có. Quy hoạch về ngành nghề, lĩnh vực sinh thái được đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái cũng chưa có. Điều đó dẫn đến nhiều bất đồng về việc lựa chọn ngành phát triển. Liệu sản xuất xe ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện có sạch hơn không, trong khi hầu hết các loại xe này đều sử dụng pin Lithium? Ngay cả các ngành chúng ta nghĩ là sạch nhất như trồng trọt, du lịch... nếu không kiểm soát các vấn đề liên quan đến nó như vận tải, các loại thuốc hóa học, phân bón... cũng có thể gây ô nhiễm nặng nề.
Môi trường là một yếu tố ngày càng được xem xét kỹ lưỡng
Đúng như ông nói, một vấn đề gây tranh cãi rất lớn khi đưa các tiêu chí xanh vào áp dụng trong thực tế tại các địa phương thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp phản ánh lãnh đạo một số tỉnh thành có tâm lý nghe thấy ngành nào "có vẻ ô nhiễm" là không mặn mà, thậm chí gạt luôn...
Tình trạng trên xuất phát từ 2 nguyên nhân chủ yếu: một là do quy định pháp luật chưa rõ ràng; hai là việc hiểu, giải thích, áp dụng điều luật, áp dụng chính sách đầu tư giữa các địa phương khác nhau.
Ví dụ, các địa phương sẽ căn cứ vào sự khác biệt về điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và cơ sở hạ tầng… để đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau. Tiêu chuẩn đánh giá tại các địa phương phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của cơ sở hạ tầng. Địa phương có hệ thống giao thông, cấp điện, nước, và xử lý chất thải tốt có xu hướng chấp thuận các dự án lớn hơn hoặc phức tạp hơn, trong khi các địa phương khác có thể ưu tiên các dự án quy mô nhỏ hoặc ít yêu cầu về hạ tầng.
Chưa kể, mỗi địa phương có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất khác nhau. Các tiêu chí đầu tư được xây dựng dựa trên việc phù hợp với các quy hoạch này, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đất đai. Do đó, một dự án có thể phù hợp ở địa phương này, nhưng không phù hợp ở địa phương khác.
Cùng với đó, mỗi địa phương có thể có các chính sách khuyến khích đầu tư riêng, nhằm thu hút các loại hình doanh nghiệp cụ thể. Những nơi có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai hoặc hạ tầng sẽ có tiêu chuẩn đánh giá dễ hơn với các dự án phù hợp ngành mà họ muốn phát triển. Ngược lại, những nơi có ít ưu đãi hoặc đã phát triển mạnh trong một ngành nào đó có thể áp dụng tiêu chí khắt khe hơn để chọn lọc nhà đầu tư chất lượng.
Nhìn chung, môi trường là một yếu tố ngày càng được xem xét kỹ lưỡng. Các địa phương có hệ sinh thái nhạy cảm, như các tỉnh ven biển hay khu vực có nguồn nước ngọt lớn, có thể yêu cầu các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe hơn đối với các dự án đầu tư để bảo đảm sự bền vững về sinh thái. Các dự án có nguy cơ về ô nhiễm môi trường sẽ khó được chấp thuận ở các khu vực nhạy cảm này. Vì vậy, tình trạng "lọc ngành", "lọc dự án" sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới với yêu cầu ngày càng khắt khe hơn.
Nhưng ngay cả các ngành của thời đại mà chúng ta đang nỗ lực thu hút đầu tư như công nghệ, công nghiệp bán dẫn... thì đầu vào của nó là xi mạ cũng gây ô nhiễm trầm trọng. Vậy nếu "lọc ngành" thì chúng ta ứng xử với các dự án trong các ngành này thế nào, thưa ông?
Tôi xin khẳng định là khái niệm "lọc ngành" không có trong quy định hay hệ thống pháp luật mà chủ yếu xuất phát từ chủ quan quan điểm lãnh đạo địa phương. Nội dung điều 5 "Chính sách đầu tư kinh doanh" của luật Đầu tư 2020 nêu rõ: Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật này không cấm.
Thực tế, có một số ngành như sản xuất phân bón, sản xuất hóa chất… là ngành kinh doanh có điều kiện. Khi phát triển dự án phải trải qua 2 giai đoạn, đầu tiên là đăng ký thực hiện các dự án đầu tư. Ngay từ bước đăng ký này, họ đã phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về công nghệ, môi trường. Trong bản đề xuất dự án đầu tư thì theo điều 16 của luật Đầu tư, doanh nghiệp không phải thuyết trình về các công nghệ mà họ áp dụng nhưng thực tế họ đều phải nêu chi tiết, đầy đủ ngay từ bước xin hồ sơ cấp phép, bao gồm đáp ứng các tiêu chuẩn về công nghệ, môi trường. Có thể thấy, đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì bản chất từ hồ sơ xin chủ trương đầu tư dự án đã thể hiện đầy đủ dự án có phù hợp tiêu chí phát triển hay không, có đáp ứng đủ điều kiện hay chưa. Quan trọng là đến giai đoạn 2 - triển khai thực hiện - thì phải đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả công nghệ xanh, sạch mà đã đưa ra khi xin chủ trương đầu tư.
Đối với những dự án đầu tư vào khu công nghiệp xanh cũng vậy. Nếu họ đã đáp ứng đầy đủ tất cả yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, tiêu chí xanh, đủ điều kiện rồi thì phải cấp phép cho họ, tạo điều kiện thuận lợi trong các bước thủ tục, theo đúng tinh thần của Chính phủ. Không nên có tâm lý "lọc ngành" theo kiểu cảm tính. Nếu muốn "lọc ngành" thì cũng phải có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch từ cấp Chính phủ rằng: Việt Nam sẽ không kêu gọi hợp tác đầu tư vào lĩnh vực này, ngành nghề này…
Định hình lại cách Việt Nam tiếp cận dòng vốn FDI
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư giữa các nước trong khu vực hiện nay, liệu sự cẩn trọng cũng như áp lực tăng trưởng xanh một cách cực đoan có khiến chúng ta mất dự án vào tay các nước bên cạnh không?
Việt Nam đã đưa ra nhiều chủ trương và chính sách nhằm khuyến khích và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới vào các khu công nghiệp sinh thái.
Đây là một phần trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu. Các chính sách tăng trưởng xanh giúp Việt Nam nâng cao uy tín quốc tế và thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến công nghệ sạch và sản xuất bền vững. Điều này giúp đất nước trở thành điểm đến cho các dự án FDI chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, và sản xuất tiên tiến. Việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt giúp tránh những thiệt hại dài hạn về môi trường và bảo vệ tài nguyên, đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ sau.
Tuy nhiên, chính sách tăng trưởng xanh sẽ tạo áp lực lên một số ngành truyền thống. Các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường có thể không cho phép thực hiện các dự án lớn trong các ngành công nghiệp nặng, khai khoáng, và năng lượng hóa thạch. Các nhà đầu tư trong các lĩnh vực này sẽ có xu hướng tìm kiếm những quốc gia với quy định lỏng hơn. Hoặc để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhà đầu tư có thể phải tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh và cải tiến quy trình sản xuất. Điều này có thể làm tăng chi phí ban đầu và khiến các nhà đầu tư do dự khi chọn Việt Nam so với các quốc gia khác.
Mặc dù sự cẩn trọng về môi trường có thể khiến một số dự án không còn phù hợp với Việt Nam, nhưng nó cũng mở ra cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghệ xanh và bền vững. Những chính sách này đang định hình lại cách Việt Nam tiếp cận dòng vốn FDI, đảm bảo rằng các dự án đầu tư không chỉ mang lại tăng trưởng kinh tế mà còn bền vững về mặt môi trường và xã hội…
Vậy ông có đề xuất gì để Việt Nam đón được những dòng đầu tư thế hệ mới, thật sự phát triển hạ tầng khu công nghiệp xanh cũng như phát triển kinh tế xanh, sản xuất xanh? Những doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp chuyên sâu có cần thêm chính sách ưu đãi, khuyến khích không?
Thuận lợi hóa, minh bạch và đơn giản thủ tục đầu tư kinh doanh là chủ trương, chính sách và cũng là mục tiêu xây dựng thể chế phát triển kinh tế của nước ta. Thực thi hiệu quả nó sẽ góp phần để Việt Nam thật sự phát triển hạ tầng khu công nghiệp xanh cũng như phát triển kinh tế xanh, sản xuất xanh.
Là người có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào khu công nghiệp, tôi cho rằng Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và nhất quán cho phát triển kinh tế xanh và khu công nghiệp sinh thái. Các chính sách cần thúc đẩy sự chuyển đổi từ các khu công nghiệp truyền thống sang các mô hình khu công nghiệp xanh với tiêu chuẩn cao hơn về môi trường và năng lượng. Có những tiêu chí cụ thể về khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Trong đó, cần nhấn mạnh việc đơn giản hóa trình tự thủ tục thành lập khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.