Kiến nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

05-10-2024 09:10

Nhiều kiến nghị liên quan đến sửa đổi Luật Công đoàn

Trước thềm Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 3.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Phú Yên phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri là công nhân, viên chức, người lao động (CNVCNLĐ) trên địa bàn, nhằm thông tin những nội dung tại kỳ họp và lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc về lao động, việc làm hiện nay.

Bà Lê Thị Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Phú Yên - cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, Công đoàn các cấp đã tích cực, chủ động các giải pháp góp phần ổ định tình hình lao động trên địa bàn. Hơn 49.585 suất quà với tổng kinh phí hơn 12,8 tỉ đồng đã được công đoàn hỗ trợ cho những CNVCNLĐ khó khăn.

Qua nắm bắt nguyện vọng của đại đa số CNVCNLĐ mong muốn Đảng, Nhà nước quyết liệt chỉ đạo phục hồi phát triển kinh tế để doanh nghiệp, công nhân có việc làm ổn định, tiền lương được cải thiện, đảm bảo nhu cầu đời sống sinh hoạt. Các chế độ chính sách về BHXH, BHYT được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn; CNVCLĐ khó khăn, thu nhập thấp mong được vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, xây nhà ở…

Tại buổi tiếp xúc cử tri có 28 lượt ý kiến, kiến nghị của CNVCNLĐ liên quan đến các vấn đề về: Luật Công đoàn sửa đổi, Luật Việc làm sửa đổi, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế, độ tuổi nghỉ hưu một số ngành nghề và một số chế độ, chính sách, quy định cho CNVCNLĐ hiện nay được gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh trước thềm Kỳ họp thứ 8. Trong đó, có 6 kiến nghị liên quan đến Luật Công đoàn sửa đổi.

Chị Hà Lê Tô Ny (LĐLĐ TP Tuy Hòa) chia sẻ: Hiện nay, cán bộ công đoàn (CĐ) ở cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí chưa đủ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vì số lượng đoàn viên CĐ liên tục tăng. Do vậy, Quốc hội cần xem xét có giải pháp tăng quyền chủ động của CĐ trong việc bố trí đội ngũ cán bộ CĐCS.

Một số đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội xem xét về chính sách tuyển dụng cán bộ CĐ để có thể thu hút đội ngũ cán bộ CĐ có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành từ cơ sở; xem xét quy định thời gian làm nhiệm vụ CĐ cho cán bộ CĐCS hợp lý, tránh “cào bằng”; quy định quyền chủ động thực hiện giám sát của CĐ trong Luật Công đoàn…

Tăng thụ hưởng, chế tài Bảo hiểm thất nghiệp

Tại buổi tiếp xúc, nhiều CNVCNLĐ tỉnh Phú Yên cũng nêu ra những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Việc làm cần được điều chỉnh phù hợp. Ông Phan Đình Hồng - đại diện cho CNLĐ Công ty Cổ phần An Hưng nêu: Hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho NLĐ đạt hiệu quả chưa cao, Chính phủ cần xây dựng nguồn quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho CNLĐ.

Đặc biệt đối với những ngành nghề có xu hướng phát triển như: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…

Liên quan đến Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cử tri CNVCLĐ Phú Yên cũng đặc biệt nhấn mạnh, thực tế một bộ phận NLĐ hiện bị “treo” quyền lợi về BHTN do doanh nghiệp phá sản. Quốc hội cần có quy định cụ thể để giải quyết vấn đề này. Đồng thời, cần có quy định cứng về mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động, tránh trường hợp lợi dụng quy định đóng mức thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Đại diện cho CNLĐ, chị Trần Thị Nhớ - Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên nêu: Mong muốn của CNLĐ là tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) để hỗ trợ NLĐ có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp và hạn chế rút BHXH một lần; nghiên cứu, xây dựng quy định về BHTN tự nguyện, đảm bảo đồng bộ với các chế độ tự nguyện khác của BHXH…